Phật dạy: Khen chê đều chưa đến lẽ thật, đừng nghe chê vội giận, đừng nghe khen vội mừng, mà phải biết nghe và tự xét lại mình.

Khen chê đều chưa đến lẽ thật, đừng nghe chê vội giận, đừng nghe khen vội mừng

 

Trong cuộc sống hàng ngày người con Phật luôn tâm niệm phải tạo ra phước báo để vun trồng công đức cho bản thân và gia đình. Có rất nhiều việc tạo ra phước báo mà không cần bỏ ra của cải hay là công sức. Ai khen chê một cách thành thật, đúng đắn thì được phước vô lượng. Ngược lại nếu khen chê không thành thật, không đúng đắn thì tự mình chịu tội vô lượng. Đứng về phương diện thế gian, một tiếng khen nhẹ nhàng đúng lúc cũng như một liều thuốc bổ giúp ta phục hồi sức khỏe nhanh chóng và làm ta cảm thấy hài lòng, mát dạ. Nhưng nếu lời khen đó không đúng sự thật chỉ là lời của kẻ nịnh bợ hay gian dối sẽ làm cho ta trở nên kiêu căng mà chuốc lấy khổ đau vì dễ dàng bị người lợi dụng làm chuyện xấu.

Khen chê dưới cái nhìn Phật giáo Khi Đức Phật đi giáo hóa thì bị nhiều người mắng chửi, khen chê đủ điều, bị vu oan hủy nhục đủ thứ nhưng Ngài vẫn bình thản, an nhiên, tự tại trước những cơn gió độc để chứng minh với đời mình đã thoát khỏi mọi sự ràng buộc của thế gian.

Khen chê dưới cái nhìn Phật giáo chỉ mang ý nghĩa tương đối, vì thế, khi nghe ai đó chê bai hay chỉ trích thì ta chớ có vội buồn, vì khi buồn ta sẽ mất bình tĩnh, lúc mất bình tĩnh thì ta không biết lời chê đúng hay sai. Khen chê là chuyện thường tình của thế gian, có nhiều người khen để lấy lòng thiên hạ, có nhiều người chê vì ganh tị tật đố. Cho nên, chúng ta phải sáng suốt, bình tĩnh trước những lời khen chê đó”.

Cuộc sống của chúng ta hằng ngày lúc nào cũng phải tiếp xúc với hai sự khen-chê. Ta phải lắng nghe lời khen hay tiếng chê để biết mà sửa mình. Ai khen đúng thì ta cố gắng tiếp thu, thay đổi. Ai khen sai ta phải dè dặt, coi chừng nhưng phải bình tĩnh, khoan mừng, khoan buồn, khoan giận, khoan ghét thì chúng ta mới sáng suốt để nhận thức được tiếng khen đó nhằm vào mục đích gì.
Khen chê dưới cái nhìn Phật giáo đều xuất phát từ tình cảm

Chê người khác đã là một việc khó nhưng có đủ bản lĩnh, tầm vóc để đón nhận lời chê còn khó hơn. Hãy bình tĩnh lắng nghe và đi vào chi tiết từng câu nói của người chê trong lúc ấy gần như tâm chúng ta bớt loạn và không thốt ra những lời vô nghĩa. Đừng để cảm xúc đưa mình tới suy nghĩ rằng mình đang bị lấn át hay cảm giác bị ức chế mà hãy tìm trong mỗi câu chỉ trích một điều đúng mà bản thân chúng ta cần thay đổi. Cho dù thế nào đi chăng nữa thì chúng ta cũng không nên lo lắng người khác đang nghĩ gì về chúng ta. Nếu cứ chăm chăm như vậy, chúng ta sẽ bị người khác kiểm soát xúc cảm và bị phụ thuộc vào lời nói cũng như hành động của họ.

Một lời khen đúng sẽ giúp ta thăng hoa đạo đức tâm linh, một lời khen sai chỉ làm hại ta rơi vào hố sâu tội lỗi. Khen chê dưới cái nhìn Phật giáo đều xuất phát từ tình cảm. Đối với người mà mình đã có ác cảm thì dù cho họ có làm điều gì tốt, điều phải mình vẫn làm lơ, có khi không hợp ý còn đem ra phê bình chỉ trích. Đối với người mà mình đã có cảm tình đã thương rồi, dù họ có làm điều gì sai quấy cũng không phê phán, lại còn tìm cách bênh vực. Tình cảm nó chi phối con người rất mạnh, chúng ta khen và ủng hộ ai chẳng qua người đó làm lợi ích cho chúng ta. Ngược lại, chúng ta chê trách ai, chẳng qua người đó làm thương tổn chúng ta, đối với người đã làm thương tổn mình chút ít, làm lợi làm tốt với mọi người, chúng ta vẫn thấy họ tốt như thường, miễn có lợi cho mình là tốt. Đó là chỗ khen theo tình cảm của con người.

Comments are closed.