Sinh lão bệnh tật vốn là quy luật không thể nào thay thế được. Để hiểu rõ hơn, mời bạn đọc cùng Phật Giáo Việt Nam lắng nghe câu chuyện về Hạt cải. Đồng thời, qua câu chuyện, bạn đọc sẽ hiểu hơn về lời Phật dạy về sống chết. Một bài học sâu lắng, nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu sắc. Mời bạn đọc cùng theo dõi!
Câu chuyện về Hạt cải
Xưa kia, ở thành Xá Vệ, có một cô gái tên là Kisa nghèo khổ và bất hạnh. Cô cũng có chồng như bao người phụ nữ khác nhưng luôn bị nhà chồng khinh rẻ, ngược đãi.
Khi đứa con trai đầu lòng ra đời, cô được quý mến và đối xử tốt hơn nhưng dường như may mắn không mỉm cười khi chỉ một thời gian sau đó đứa con trai bé bỏng của cô đã ra đi mãi mãi vì bạo bệnh.
Còn gì đau đớn hơn khi chứng kiến đứa con mà mình dứt ruột đẻ ra chết ngay trên tay? Dù đau khổ đến tột cùng, cô vẫn hy vọng sẽ có người cứu được đứa con của mình sống lại. Thế nên ôm xác con đi tìm thầy cứu chữa.
Nhìn cảnh mẹ con ôm nhau, lê từng bước chân trên đường, ai cũng ngậm ngùi, xót xa bởi việc cứu sống đứa trẻ là điều không thể mà người con gái ấy vẫn nuôi hy vọng. Do đó, nhiều người tin vào thế giới tâm linh đã hướng dẫn cô đến gặp Như Lai Thế Tôn, mong nhờ đức Phật tế độ.
Biết được hoàn cảnh đáng thương của cô gái, đức Phật liền hứa sẽ giúp nhưng cô phải đến nhà nào chưa từng có người chết xin về vài hạt cải, Ngài mới có thể cứu sống đứa bé cho cô.
Với một niềm tin mãnh liệt con mình sẽ được cứu sống nếu có được vài hạt cải trong một gia đình không có người chết. Cô liền phấn khởi ra đi, lòng tràn đầy hy vọng.
Nhưng chớ trêu thay! Hạt cải thì nhà nào cũng có, nhưng tìm nó trong một gia đình không có người chết thì quả thật là không thể được. Bởi vì nhà nào cũng có người chết.
Cô đi khắp hang cùng hốc hẻm cũng không tìm ra một gia đình nào không có người chết như yêu cầu của Đức Như Lai.
Quá thất vọng và mệt mỏi, cô ngã quỵ bên lề đường. Ánh mắt không thôi hướng về đứa con bé bỏng, dù xác đứa bé đã cứng đờ.
Trong sự đau khổ tột cùng, cô đã nhận ra, ai rồi cũng sẽ chết. Chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Đau thương mất mát là một sự thật của kiếp người. Yêu thương mà phải xa lìa đó là một nỗi khổ, niềm đau. Có hợp phải có tan, đó là định luật nhân duyên quả của cuộc đời.
Từ đó, cô không tìm hạt cải nữa, mà đem xác con mình vào rừng. Và thanh thản trở về bạch Phật, xin được xuất gia tu hành.
Lời Phật dạy về sống chết – Nhẹ nhàng mà sâu lắng
Qua câu chuyện của Kisa, chắc hẳn đã lấy đi nước mắt của không biết bao nhiêu người vì tình mẫu tử quá thiêng liêng, cao đẹp. Tuy nhiên, qua đó, người ta mới nhận ra rằng sinh tử vốn là quy luật ở đời. Không một ai có thể kháng cự được quy luật này.
“sinh tự hà lai, sử tùng hà khứ” có thể hiểu câu này có nghĩa là “sinh từ đâu đến, chết theo đâu về”. Đây cũng chính là câu hỏi khiến không ít người băn khoăn, đau đáu nghĩ về.
Khi đứng trước nỗi sợ chết, có người chọn lao vào để hưởng thụ. Có người lại chọn cách bám víu, tích góp để chạy đua cùng với danh vọng, quyền lực. Đến mức quên luôn cả tính mạng, mạng sống của chính mình.
Chúng ta phải chấp nhận rằng mình chỉ là khách trọ của cuộc đời. Mình không thể ở mãi với thế gian này. Mọi điều trên cõi đời này, tất cả đều là vô thường, giả tạm. Xưa kia, người ta đã không biết bao nhiêu lần gắng luyện thành công thuật trường sinh bất tử. Nhưng có ai là làm được, có ai là sống đời đời kiếp kiếp trên cõi đời này bao giờ?
Lời kết
Với câu chuyện trên, Phật giáo Việt Nam muốn bạn hiểu rằng tất thảy mọi thứ trên đời này là vô thường. Vì vậy, lẽ sống chết ở đời là điều sớm muộn, trước sau gì cũng sẽ phải trải qua. Chúng ta hãy cố gắng sống một đời thật ý nghĩa. Để mỗi giây phút trôi qua, chúng ta đều khắc ghi ấn tượng trong lòng người khác. Đó mới chính là cách tồn tại mãi mãi!