Cuộc đời mỗi người luôn trải qua không biết bao dư vị. Có những lúc thăng trầm, lên xuống. Có những niềm vui, nỗi buồn. Cũng có những phút giây khổ đau, nhưng đôi khi cũng vô cùng sung sướng, hạnh phúc. Những khi cuộc đời như muốn chống đối lại chính mình, khi bạn ngã quỵ vì những điều xảy đến không như mong muốn. Chúng ta thường có xu hướng than phiền, trách đời vì sao lại xui xẻo. Không một ai có một cuộc sống màu hồng. Cũng chẳng một ai chưa từng trải qua những giây phút bất hạnh. Tuy nhiên, có người lại vượt lên trên tất cả để trở nên tốt đẹp hơn, nâng cấp chính mình thành phiên bản hoàn thiện nhất. Nhưng cũng có người, họ chìm vào bể sầu đau rồi cứ thể tha hóa, biến chất. Thậm chí là trở thành những người không tốt cho xã hội.
Tất cả chúng ta đều giống nhau ở chỗ đều mang trên mình những khổ đau. Nhưng tùy thuộc vào suy nghĩ của mỗi người mà có cái nhìn về cuộc đời thoáng và nhẹ nhàng hơn. Hiểu được điều đó, Phật Giáo Việt Nam gửi đến bạn ba triết lý nhà Phật giúp bạn có một cuộc đời an yên, tự tại.
Dukkha (khổ đế): Đời là bể khổ
Đời là bể khổ. Triết lý nhà Phật là sự khẳng định không thể nào đúng hơn. Nhà Phật tin rằng cuộc đời này khó ai có thể tránh được việc khổ đau, bi thương. Vì vậy, học cách chấp nhận những điều không vui vẻ cũng chính là chấp nhận được bản chất tự nhiên vốn có của cuộc đời.
Triết lý nhà Phật này còn một phần giúp con người tin vào hành trình mà mình đang phải trải qua. Sẽ có những giây phút bạn thấy cuộc đời sao quá đỗi bất công, chẳng công bằng. Bạn ganh tị vì những niềm vui, hạnh phúc mà người khác có. Thế nhưng, trong những tháng ngày tiếp theo, họ có thể sẽ thầm ganh tị vì những gì bạn có. Bởi vậy, nên cuộc đời của ai cũng sẽ có những đoạn đường thật chán chường, vô vọng. Vì thế nên đừng bao giờ so đo hạnh phúc hay khổ đau mà mình có. Hãy đón nhận và biết cách để vượt lên trên tất cả.
Đời là bể khổ. Khi ghé qua quán trọ của cuộc đời, mỗi người đều khó tránh khỏi quy luật “sinh – lão – bệnh – tử”. Chúng ta phải học cách chấp nhận trong tương lai, những người thân yêu rồi sẽ rời xa ta. Ta cũng phải chấp nhận rằng mình không thể tồn tại vĩnh viễn trên cuộc đời này. Việc một người ốm đau, bệnh tật rồi mất đi là điều vốn dĩ sẽ xảy ra. Đừng bao giờ lừa dối chính mình rằng cuộc đời này rất dễ dàng và không hề có khổ đau. Hãy chấp nhận sự không hoàn hảo bằng sự bao dung. Hãy kiếm tìm những điều hoàn hảo trong những điều không hoàn hảo.
Anitya: Đời là vô thường
Triết lý nhà Phật không chỉ nhắc đến “đời là bể khổ”. Mà còn nói đến Anitya: đời là vô thường. Chỉ những ai mang trong mình suy nghĩ “đời là vô thường” mới càng hiểu rõ hết bản chất của vạn vật. Mọi thứ tồn tại trên cuộc đời này đều luôn ẩn chứa những sự thay đổi. Chỉ cần có thời gian, thời điểm thích hợp, chúng sẽ thay đổi. Cuộc đời luôn tiếp diễn không ngừng. Nó luôn vận động, phát triển để trở nên khác biệt so với quá khứ.
Qua đó, triết lý nhà Phật khẳng định con người không nên sống lại ở thời điểm đã qua. Không chấp nhận sự thay đổi, luôn giữ khư khư cái cũ và tôn vinh nó một cách thần thánh là điều không nên. Quá khứ dẫu có hạnh phúc, vui vẻ đến đâu thì đắm chìm trong những tháng ngày đã cũ cũng chỉ khiến con người khó lòng sống trọn vẹn từng giây phút ở hiện tại. Hay cứ nhớ mãi những đớn đau, tủi nhục trong quá khứ cũng chỉ khiến bản thân mình bị dày vò, khổ đau.
Vì vậy, đừng sợ hãi mỗi khi sự thay đổi chạm đến ngõ nhà bạn. Việc lo lắng vì không chấp nhận được bản chất của cuộc đời “đời là vô thường” cũng chỉ khiến bạn thêm mệt mỏi. Thay vào đó, hãy học cách trân trọng từng khoảnh khắc trôi qua. Còn nếu hiện tại đang khổ đau, đang chán nản, tuyệt vọng. Đừng lo lắng, ngày mai sẽ khác. Vững tin vào “đời là vô thường” giúp bạn sống trọn vẹn, trân trọng từng khoảnh khắc hiện tại. Đồng thời cũng giúp bạn có thêm niềm tin vào ngày mai tươi sáng
Anatma: Mình là vô ngã
Triết lý nhà Phật có nhắc đến đời là vô thường – dành cho vạn vật. Thì không thể không nói đến triết lí Anatma – mình là vô ngã. Con người cũng giống như sự vật, cũng có những thay đổi, phát triển. Đó có thể là về tính tình, tích cách, suy nghĩ, tình cảm, tâm tư hay hình dáng, ngoại hình,… Vì vậy, đừng bao giờ vội vàng đánh giá, phán xét một cách phiến diện những hành động đơn lẻ của người khác. Hãy dùng chính thời gian và sự chân thành để khám phá được những thay đổi tích cực của họ.
Cũng đừng bao giờ tự đóng khung chính mình. Đừng nghĩ rằng con người mình là bất biến. Hãy cho phép bản thân được tốt hơn mỗi ngày. Đó là sự tự nâng cấp chính mình. Đưa mình trở thành phiên bản hoàn thiện nhất là việc làm, sứ mệnh chung cho tất cả chúng ta.
Lời kết
Phải chấp nhận rằng mọi thứ trên đời này luôn dở dang, không hoàn hảo. Thậm chí là vô thường, không có gì là tồn tại trọn vẹn. Cũng chẳng có gì vĩnh hằng, bất biến. Tất thảy mọi thứ tồn tại trên cuộc đời, từ vạn vật cho đến con người. Đồng thời, đời là bể khổ. Cuộc đời ai cũng đôi lần nước mắt vì khổ đau. Đừng so đo, tính toán hơn thiệt với cuộc đời người khác. Bởi bạn không thể biết nụ cười hôm nay, họ đã phải đánh đổi bởi bao đêm đau đớn.
Với những chia sẻ trên, hy vọng Phật Giáo Việt Nam đã gửi đến bạn đọc 3 triết lý nhà Phật sâu sắc giúp bạn có những cái nhìn khác về cuộc đời. Qua đó thấy lòng an yên, tự tại hơn. Theo dõi thêm những bài viết khác để học được thêm những bài học khác từ nhà Phật bạn nhé.