Chết là một tài sản chung, có sẵn nơi mọi người, không lìa một ai. Ông bà mình cũng đã thấy như thế, rằng từ cao nhất thế gian như một vị vua cũng phải chết và thấp nhất tới người mang nợ tứ phương cũng phải chết.
Tác phẩm Ca dao tục ngữ Phật giáo Việt Nam do thầy Lệ Như Thích Trung Hậu sưu tập đã ghi lại:
“Vua Ngô bâm sáu tàng vàng,
Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì.
Chúa chổm uống rượu tì tì,
Chết xuống âm phủ khác gì vua Ngô”.
Y hệt như không khí, chết là một đặc tính tự nhiên nằm sẵn trong các pháp. Chỉ thoát được khi đã đạt quả vô sinh, tức là vào Thánh vị bất tử mà đức Phật gọi là bậc A la hán, hay là “đoạn diệt sinh tử”.
Đức Phật đã dạy nhiều pháp khác nhau cho nhiều bậc thánh đệ tử khác nhau. Trong đó, đặc biệt đức Phật dạy rằng đời người chỉ trong một hơi thở ra, và hãy giữ chánh niệm về sự chết cho miên mật, đừng phóng dật.
Tại sao chúng sinh ưa thích hoan lạc, ưa thích “thọ lạc” hơn là “thọ khổ,” mà đức Phật lại dạy niệm về sự chết?
Các pháp vốn là như thị, vốn là như thế, thấy ngay thực tướng các pháp, thấy ngay cái chết trong từng hơi thở của mình, thì sẽ xa lìa hết phiền não. Trong cái chết, không còn thời gian nữa, không có cái gọi là ngày hôm qua hay ngày mai, và cũng xa lìa hẳn cái mà các đạo độc thần thường gọi là “hiện tại nhiệm mầu,” hay “hồng ân,” hay “ơn thánh linh”.
Hỷ lạc là một phần của định, và tu sĩ ngoại đạo khi đắc một phần định đã chấp hỷ lạc là ân sủng từ Thượng đế, nhằm “hiệp thông với con người”. Cho nên, bên Thiên Chúa giáo La Mã có những khóa Tĩnh tâm và bên Tin Lành có những khóa Bồi linh, giúp tín đồ định tâm và từ đây có hỷ lạc. Có một phần định, rồi có hỷ, có lạc… thế là vui sướng quá, sẽ thấy cõi này tuyệt vời vì đã “có ngài trong tôi”. Nhà Phật gọi như thế là chấp.
Thiền nhà Phật sẽ bước qua giai đoạn này của định, và sẽ xả ly cả lạc và bất lạc.
Thiền là chánh niệm trong thực tướng, tức là trong thế giới hiển lộ tương ưng qua tâm mình, các sát na tâm sinh diệt liên tục trong luồng hộ kiếp.
Đức Phật dạy quán niệm về sự chết là để chúng ta nhìn ngay dòng chảy của nghiệp lực, để trực nhận tánh “vô thường” các pháp, để thấy tánh “vô ngã” trong dòng chảy tâm mình, và từ đây bước qua dòng sông sinh tử.
Niệm sự chết không có nghĩa là gớm bỏ sự sống. Thực ra lại là quý trọng sự sống. Bởi vì đức Phật đã dạy rằng thân người khó được, Phật pháp khó nghe.
Đức Đạt lai Lạt ma trong cuốn The Path To Bliss đã viết, “… Các bạn hãy có một niềm tin sâu sắc rằng thân mình hiện nay có tiềm năng lớn, và đừng bao giờ hoang phí dù một phút của thân này. Mặt khác, không tận dụng được thân người quý giá của bạn hiện nay, hay chỉ làm hoang phí, thì y hệt gần như là uống thuốc độc dù biết rõ ràng về hậu quả của việc như thế”.
Đừng phí một phút nào của đời mình. Cũng tương tự như Phật dạy, giữ chánh niệm về sự chết không lìa, vì nó nằm ngay từng hơi thở ra.
Quán niệm về sự chết là một pháp môn mãnh liệt. Không chỉ thích hợp cho người thành niên, mà còn thích hợp cho cả thiếu niên. Chính đức Phật đã dạy một bé gái 16 tuổi quán niệm về sự chết, và cô này liên tục trong 3 năm đã quán niệm về sự chết.
Kinh kể rằng, đức Phật về lại thành Alavi 3 năm sau, vì quán sát thấy bé gái đã sắp vào Thánh quả Dự lưu và biết cô sẽ chết ngay trong ngày gặp lại đức Phật.
Tới đây, cần ghi chú giữa các bản dịch. Bản dịch Tích Truyện Pháp Cú do thiền viện Viên Chiếu thực hiện từ cuốn Buddhist Legends của Eugène Watson Burlingame nói rằng cô bé chết và lên cõi trời Đâu Suất. Tuy nhiên, bản Anh văn do Daw Mya Tin dịch từ tiếng Pàli do Hội Burma Tipitaka Association Rangoon phổ biến thì chỉ nói đơn giản là cô chết vì tai nạn thoi dệt vải đâm trúng, nhưng không nói là sinh vào đâu.
Nhưng các dị bản cùng viết rằng, bé gái 16 tuổi đã nghe lời Phật dạy về quán niệm sự chết, tự cô tu bằng cách quán niệm sự chết “ngày và đêm,” và 3 năm sau (khi 19 tuổi) chỉ nghe Phật nói thêm mấy câu là đắc quả Dự lưu.
Sau đây là trích Tích Truyện Pháp Cú tập 2, bản dịch của Thiền viện Viên Chiếu, phẩm XIII về “Cô bé dệt vải”:
“… Một hôm, đức Phật đi đến Alavi. Dân chúng Alavi thỉnh Phật thọ trai. Thọ trai xong, đức Phật dạy một bài pháp ngắn:
“Hãy quán niệm về sự chết, các người hãy tự nhủ rằng: Đời sống của ta mong manh. Cái chết của ta là điều cố nhiên. Chắc chắn ta sẽ chết. Cái chết sẽ chấm dứt đời ta. Ðời sống không cố định, cố định là cái chết. Ai không quán niệm về sự chết, sẽ sợ hãi khi giờ lâm chung đến, và sẽ chết trong sợ hãi kinh hoàng, như một người đi đường gặp rắn, không có gậy trong tay, run rẫy dường nào. Còn người có quán niệm về sự chết, sẽ không sợ hãi trong giây phút cuối của cuộc đời, và như một người gan dạ thấy rắn từ xa, đã cầm gậy hất nó đi. Vì thế, hãy quán niệm về sự chết”.
Mọi người nghe xong lại trở về đời sống bình thường. Chỉ có một cô bé thợ dệt mười sáu tuổi tự nhủ “Lời dạy của đức Phật thật kỳ diệu, phần ta, ta sẽ quán niệm về sự chết”. Và cô bé quán niệm suốt cả ngày đêm. Ðức Thế Tôn rời Alavi đến Kỳ Viên. Cô bé cũng tiếp tục quán niệm về sự chết trong ba năm.
Vào một ngày, sáng sớm Thế Tôn quán sát thế gian, Ngài nhìn thấy cô bé xuất hiện trong tầm quan sát của Ngài. Ngài tự hỏi “Những gì sẽ xảy ra?” Ngài chú ý đến sự diễn tiến tiếp theo: “Từ ngày cô bé này nghe Ta nói pháp, đã thực hành quán niệm về sự chết trong ba năm. Bây giờ, Ta sẽ đến Alavi và hỏi cô bé ấy bốn câu, Ta sẽ khen cô bé, và Ta sẽ nói Pháp Cú: Ðời này thật mù quáng. Nghe xong cô bé ấy sẽ chứng quả. Nhờ vậy, thính chúng sẽ thâm hiểu lời dạy của Ta. Thế là Thế Tôn cùng năm trăm Tỳ kheo lên đường đến Tinh xá Aggàlava.
Dân chúng Alavi nghe tin Thế Tôn đến, họ vào Tinh xá thỉnh Phật thọ trai. Cô bé con người thợ dệt cũng nghe tin ấy, tràn đầy hân hoan. Cô nghĩ: “Thế Tôn đã đến, bậc từ phụ của ta, bậc đạo sư, bậc Thầy quý kính dung mạo như trăng rằm, đức Cồ Đàm Phật Đà”. Cô tự nhủ “Bây giờ, lần đầu trong ba năm nay, ta mới gặp Thế Tôn, người thân sắc vàng chói, giờ đây ta được đảnh lễ thân kim sắc của Ngài, và nghe Ngài giảng pháp vi diệu thấm đầy mật ngọt”.
Nhưng cha cô trước khi đến xưởng dệt, đã dặn cô:
– Này con, trên khung cửi của cha còn một khổ vải chưa dệt xong, cha phải dệt xong hôm nay. Con hãy quấn chỉ vào thoi cho đầy và mang gấp đến cho cha.
Cô gái nghĩ thầm: “Ta rất mong được nghe đức Phật thuyết pháp, nhưng cha ta đã căn dặn như thế. Ta sẽ đi nghe pháp hay đánh sợi cho cha ta?” Cô nghĩ tiếp: “Nếu ta không mang thoi đến, cha ta sẽ đánh ta. Vậy thì phải đánh sợi cho đầy mấy con thoi, đem đến cho ông, đợi dịp khác đi nghe pháp”. Cô ngồi vào ghế và đánh sợi.
Dân chúng Alavi đợi chờ Thế Tôn, cúng dường thức ăn, sau khi ăn xong họ dọn bát và nghe Ngài chỉ dạy. Ðức Thế Tôn tự nhủ: “Ta đến đây qua một khoảng đường ba mươi dặm chỉ vì một cô bé, cô ấy chưa có mặt. Khi cô ấy đến, Ta sẽ giảng pháp”. Vì thế, Ngài ngồi im, thính chúng cũng lặng yên đợi chờ…”(hết trích)
Đọc tới đây, chúng ta thấy đức Phật rất mực từ bi. Đi ba mươi dặm, tới ngồi chờ một cô bé, người đã quán niệm về sự chết từ 3 năm.
Khi cô tới, đức Phật ra dấu bảo cô bé vào giữa pháp hội. Đức Phật hỏi, (nơi đây sẽ dịch phần vấn đáp theo bản Daw Mya Tin):
(1) Con từ đâu tới? (1) Bạch Thế Tôn, con không biết.
(2) Con sắp đi đâu? (2) Con không biết.
(3) Có phải con không biết? (3) Vâng, con biết.
(4) Con có biết không? (4) Bạch Thế Tôn, con không biết.
Thính chúng không hiểu, khi nghe như thế. Bấy giờ, đức Phật yêu cầu cô giải thích, và cô nói, “Bạch Thế Tôn! Bởi vì Ngài biết con từ nhà tới, nên câu hỏi đầu tiên là Thế Tôn hỏi con từ kiếp quá khứ nào tới, con mới nói là không biết. Câu thứ nhì là hỏi về kiếp vị lai, con mới nói là con không biết. Câu thứ ba Thế Tôn hỏi là con có biết rằng con sẽ chết một ngày nào đó, con mới đáp là con biết. Câu cuối Thế Tôn hỏi là con có biết khi nào con sẽ chết, con mới nói con không biết”. (Hết trích)
Bấy giờ, Phật mới nói bài kệ thứ 174 trong kinh Pháp Cú. Lập tức, cô chứng quả Dự lưu. Khi về nhà, cha cô kéo thoi dệt, vô ý trúng ngực cô, làm cô chết tức khắc. Bấy giờ, người cha xin xuất gia, tu học và rồi chứng quả A la hán.
Như thế, chúng ta thấy pháp môn quán niệm sự chết thích nghi cả cho thiếu niên và có diệu dụng vô lường.
Chúng ta có thể tu quán niệm sự chết ra sao? Bạn hãy thử, diệu dụng có thể thấy ngay trong vòng mươi phút, hay nửa tiếng. Bạn hãy nằm duỗi thẳng người, hình dung rằng mình đã chết từ đầu tới chân, tất cả các tâm vui mừng hờn giận tự nhiên biến mất dễ dàng, bắp thịt toàn thân thư giãn ra, các niệm trong tâm tự biến mất. Khi tập cảm nhận sự chết, điều duy nhất bạn sẽ thấy là toàn thân chỉ còn luồng hơi thở phập phồng, dịu dàng. Hãy giữ tâm thức đó.
Đi, đứng, nằm, ngồi bạn cũng hãy cảm nhận là đang chết, và sẽ thấy chỉ còn duy nhất một hơi thở là cái giữ thân thể bạn với cõi này. Hãy tập như thế trong một buổi, trong một ngày, và rồi cả đời. Cô bé 16 tuổi tập được, và tất cả chúng ta đều tập được. Không hoang phí một phút nào cả. Rồi sẽ cảm nhận sự chết, tự nhiên như sự sống, gắn bó trong hơi thở, phập phồng, dịu dàng. Và như đức Phật dạy, chúng ta sẽ bước qua cõi sinh tử này.
Cư sĩ Nguyên Giác
Comments are closed.