Cuộc sống là một chuỗi hành trình dài vô tận. Thứ mà con người cho đi lúc sống, cũng sẽ là thứ con người được nhận lại khi mất đi. Vì vậy, sống là luôn không ngừng khao khát được cho đi, được lan tỏa tấm lòng đến người khác. Tuy nhiên, phải hiểu đúng về ý niệm được cho đi. Hôm nay, mời bạn đọc cùng Phật Giáo Việt Nam lắng nghe lời Phật dạy về cho đi nhưng đừng mong cầu được nhận lại.
Cho đi để làm gì?
Câu chuyện
Trước cổng một nghĩa trang nọ, người ta thấy có một chiếc xe Rolls Royce sang trọng dừng lại. Bên trong xe là một người đàn bà với dáng vẻ ốm yếu.
Ra khỏi xe, người đàn bà tự giới thiệu và nói với người thanh niên giữ cổng nghĩa trang:
– Từ hai năm qua, mỗi tuần, tôi là người đã gửi cho anh 5 đô la để mua hoa và đặt trên mộ con trai tôi. Nhưng nay các bác sĩ bảo rằng tôi không còn sống được bao lâu nữa. Thế nên hôm nay tôi đến đây để chào từ biệt và cảm ơn anh đã mua hoa giùm tôi.
Thế nhưng, người đàn bà không ngờ rằng người giữ cổng nghĩa trang trả lời:
– Thưa bà, tôi thấy thật là đáng tiếc khi bà đã làm điều ấy!
Người đàn bà cảm thấy như bị ai đó vả vào mặt. Nhưng bà vẫn còn đủ bình tĩnh hỏi lại người thanh niên:
– Tại sao anh lại lấy làm tiếc về cử chỉ cao đẹp như thế?
Người thanh niên giải thích:
– Thưa bà, tôi lấy làm tiếc vì những người chết như con trai bà, chẳng bao giờ còn có thể thấy được một cánh hoa nào nữa!
Bị chạm tự ái, người đàn bà liền cao giọng:
– Anh có biết anh đã làm tổn thương tôi không?
Người thanh niên bình tĩnh trả lời:
– Thưa bà, tôi thành thật xin lỗi. Bởi vì tôi chỉ muốn nói với bà rằng còn có rất nhiều người đang cần đến những cánh hoa của bà hơn. Tôi là hội viên của một tổ chức chuyên đi thăm những người già lão, các bệnh nhân trong viện dưỡng lão, bệnh viện. Chính họ mới là những người đang cần đến những cánh hoa của chúng ta. Họ có thể nhìn thấy và ngửi được cánh hoa ấy.
Nghe thế, người đàn bà ngồi lặng trên chiếc xe sang trọng một lúc, rồi ra hiệu cho tài xế nổ máy.
Vài tháng sau người đàn bà trở lại nghĩa trang. Nhưng lần này không cần ai giúp đỡ. Lúc này bà tự động bước xuống xe với một dáng vẻ vui tươi nhanh nhẹn hơn. Và điều đáng ngạc nhiên hơn nữa, với một nụ cười rạng rỡ, bà nói với người thanh niên giữ cổng:
– Anh đã có lý, tôi nghe lời anh và mang hoa đến cho những người già lão, bệnh tật. Quả thật, điều đó đã làm cho họ được hạnh phúc. Nhưng người thực sự hạnh phúc chính là tôi. Các bác sĩ không biết được bí quyết đã làm tôi khỏe mạnh lại. Nhưng tôi đã khám phá ra cái bí quyết ấy, tôi đã tìm ra lẽ sống.
Bài học nhận được:
Câu chuyện như một lời khẳng định. Rằng sự giúp đỡ người ngày hôm nay cũng chính là giúp đỡ chính mình mai sau. Đây cũng chính là khuôn vàng thước ngọc của Thượng Đế, luôn mong muốn cho đi, và đừng bao giờ mong cầu được nhận lại.
Lời Phật dạy về cho đi nhưng đừng mong cầu được nhận lại
Sau câu chuyện mà Phật Giáo Việt Nam đã gửi đến bạn đọc, bạn có nhận ra rằng “cho” và “nhận” cũng tương tự như cặp phạm trù “nhân” và “quả” không? Trên cõi đời này, một khi bạn đã bắt đầu hành trình của chính mình, bạn sẽ nhận ra rằng ở đời luôn tồn tại quy luật nhân quả. Có gieo gió, ắt sẽ gặt bão. Có gieo nhân lành, chắc hẳn sẽ có được quả ngọt. Vì vậy, thứ bạn cho đi ngày hôm nay, một ngày nào đó nó sẽ quay trở lại đúng lúc bạn cần nhất.
Chấp ngã chính là một trong những nguyên nhân cội nguồn khiến mọi phiền não, khổ đau luôn xuất hiện trong con người mỗi chúng ta. Theo quan điểm nhà Phật, vô ngã chính là tinh thần của Phật Giáo. Bởi vì nó xóa bỏ cái tôi vào trong vạn loài chúng sinh. Đồng thời cũng là chia lợi ích cá nhân cho tất thảy chúng sinh với mong muốn được giảm trừ mọi bất hạnh, đau khổ.
Gặp gỡ được nhau chính là do duyên mà thành. Vì vậy, mọi thứ chúng ta làm cho đối phương đều có sự vay trả. Cho đi hay nhận lại cũng chính là hình thức luân phiên để trả nợ duyên. Thứ chúng ta nhận được đôi khi không biểu hiện rõ ràng dưới dạng vật chất. Cũng có thể thứ chúng ta nhận về chính là sự bình yên trong tâm hồn, sự thanh thản. Chúng ta cảm nhận được ý nghĩa của cuộc sống, chúng ta trân trọng từng khoảnh khắc. Và như vậy thì bất kì phút giây nào lặng lẽ trôi qua trong đời cũng trở nên giá trị và xứng đáng.
Lời kết
Sống là để cho đi, không phải ích kỷ giữ riêng cho mỗi mình mình. Nếu hạnh phúc mà chỉ mỗi mình thì có gì để nhớ về? Lời Phật dạy về cho đi nhưng đừng mong cầu được nhận lại là một trong những bài học hay. Mong rằng tất cả chúng ta đều sẽ hành động ngay từ hôm nay, Phật Giáo Việt Nam tin rằng bạn làm được!