Sự kiện của Ðức Phật “đản sinh” thị hiện vào đời là do lòng đại từ, đại bi vô hạn của Ðức Phật đối với chúng sanh, thương xót chỉ bày và cứu độ chúng sanh.

Hàng Phật tử chúng ta đều nhớ, tại vườn Lâm-tỳ-ni, thành Ca-tỳ-la-vệ xưa, khi hoàng hậu Ma Gia vừa vói cành tay hài cành hoa Vô ưu thì thái tử Tất Ðạt Ða “đản sinh” chào đời. Ðiều kỳ diệu thứ nhất là vừa mới sinh ra đời, thái tử có thể bước đi 7 bước và dưới chân Ngài rộ nở 7 đóa sen thiêng. Ðiều kỳ diệu thứ hai là Ngài vừa bước đi trên 7 đóa sen thiêng, cùng lúc một tay vừa chỉ trời, một tay vừa chỉ đất mà tuyên bố pháp âm vi diệu: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn – Vô lượng sanh tử, ư kim tận hỷ”.

Vừa mới sinh ra đời, thái tử có thể bước đi 7 bước và dưới chân Ngài rộ nở 7 đóa sen thiêng.

 

Con người chúng ta sở dĩ trôi lăn nhiều đời, nhiều kiếp trong cõi luân hồi vì mình thường chỉ sống với ngã chấp phàm phu, với cái ta tội lỗi. Cho nên cũng trôi lăn không biết bao nhiêu đời kiếp, nhưng chúng ta không thể nào thoát ly được nỗi khổ của sanh tử. Ðức Phật thì trái lại, khi còn phàm phu thì mỗi đời kiếp luân hồi là mỗi quán tưởng tầm tu. Mỗi lần thọ khổ là mỗi lần giác ngộ hồi đầu, không cho dễ duôi phóng túng.

Ngài Huệ Năng, Tổ sư thứ 6 thiền tông Trung Hoa, đã nối tiếp con đường chánh pháp của Ðức Phật bằng cách: “Thường tự thấy lỗi mình, tức phù hợp với đạo”. Nếu chúng ta tự nhận ra chơn tánh của mình, không cho bụi trần ô nhiễm tức là chúng ta hiểu rõ được ý pháp của Ðức Phật dạy.

Sự kiện của Ðức Phật “đản sinh” thị hiện vào đời là do lòng đại từ, đại bi vô hạn của Ðức Phật đối với chúng sanh, thương xót chỉ bày và cứu độ chúng sanh.

Về sau, khi gần thị nhập Niết-bàn, nơi núi Linh Thứu, Ðức Phật đã hiển bày trong Kinh Pháp Hoa vì sao Ngài thị hiện trong cõi Ta-bà: “Ðức Phật ra đời vì đại sự nhân duyên là “khai thị chúng sanh, ngộ nhập Phật tri kiến””. Lời khẳng định này của Ðức Phật giúp cho người con Phật sáng tỏ hơn ý pháp “duy ngã độc tôn” trước kia và “ngộ nhập tri kiến” sau đó, đều là nhằm để xác tín chắc chắn sự kiện của Ðức Phật “đản sinh” thị hiện vào đời là do lòng đại từ, đại bi vô hạn của Ðức Phật đối với chúng sanh, thương xót chỉ bày và cứu độ chúng sanh.

Niềm vui sẽ thực sự đến với Ngài trọn vẹn khi nào chúng sanh thành tựu chơn tánh như Ngài đã thành tựu. “Như Lai là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành” chính là lý tưởng, mục tiêu của Ðức Phật mong cầu cho mọi người chúng ta.