Thường xuyên nghe Pháp bằng tất cả sự hân hoan, khao khát, tâm thành kính thì con người chúng ta sẽ có những thay đổi tích cực. Con người từ khi sinh ra vốn là tờ giấy trắng trong. Biết tiếp thu, lắng nghe, học hỏi những điều đúng, điều lẽ phải. Chắc chắn, bạn sẽ trở thành một người tốt cho xã hội. Vậy những điều hay, điều đúng đắn, là kim chỉ nam ở đâu? Tất cả đều được gói gọn bằng việc nghe Pháp. Cùng Phật Giáo Việt Nam khám phá 5 lợi mà mỗi Phật tử có được khi thành tâm lắng nghe Phật Pháp trong bài viết dưới đây/
Nghe được điều chưa từng được nghe
Đại đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Lợi ích thứ nhất của nghe Pháp là được nghe những điều chưa nghe. Có nhiều điều mình chưa biết, hôm nay nghe quý Thầy giảng Pháp, mình hiểu ra nên rất vui. Có người trước khi nghe Pháp rất đói, nghe xong Pháp thấy khỏe ra, phấn chấn lên. Các Phật tử chuẩn bị tâm thái cho buổi đi nghe giảng Pháp phải có tâm quý kính, khát khao. Được về chùa nghe Pháp là niềm hạnh phúc, là niềm vui, phải thấy thích thú như vậy Pháp mới vào dễ. Còn đi mà lững thững lơ thơ, chị em rủ ba lần bảy lượt mới đi thì chẳng lợi ích bao nhiêu. Cho nên, Phật dạy lợi ích thứ nhất: được nghe những điều chưa biết, chưa nghe. Qua những buổi giảng Pháp, ngoài kinh Pháp của Phật, quý Thầy đưa đến cho các Phật tử nhiều giá trị, nhiều lợi ích về mặt tu tập, về mặt tâm linh, kể cả tri thức trong cuộc sống nữa”.
Rõ ràng, kiến thức trên thế giới này như biển dương bao la rộng lớn. Và chỉ có bậc Giác Ngộ như Đức Phật mới có thể thấu hiểu tường tận mọi vấn đề. Nghe Pháp cũng chính là mở mang cho trí óc mình những điều hay, lẽ phải. Là kim chỉ nam hướng con người nhìn nhận và làm theo những việc đúng đắn.
Bổ sung củng cố thêm cho những điều đã nghe
Từ ngàn đời xa xưa, chúng ta đã nghe và tin theo không biết bao nhiêu quan điểm sai lệch. Đặc biệt, đặt trong bối cảnh xã hội phát triển, công nghệ và mạng internet trở thành phổ biến. Thì việc tiếp nhận những luồng thông tin sai là điều khó ai tránh khỏi. Vậy nên, nghe Pháp chính là hiểu đúng cho những điều đã nghe được.
Như Đại đức Thích Trúc Thái Minh từng giảng: “Lợi ích thứ hai của việc nghe Pháp là làm trong sạch điều đã được nghe, điều mình đã được nghe từ trước. Hôm nay đi nghe Pháp giúp mình được trong sạch điều đã được nghe. “Trong sạch” nghĩa là lọc đi những cái tạp lần trước nghe chưa rõ ràng. Còn lờ mờ, hiểu chưa đến đâu, lần này nghe là rõ ràng minh bạch. Gọi là làm trong sạch điều mình đã được nghe”.
Chấm dứt hoang mang, nghi ngờ.
Cũng theo như Đại đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Trước khi đến với Phật Pháp ai cũng có nghi cả. Nghi không biết Đức Phật có thật hay không? Có khi không có họ cũng dựng lên thổi hồn vào giống như có thật, không biết ông Phật có thật không mà tin. Rồi đi nghe Phật Pháp, đi hành hương mới thấy Phật có thật, mới đủ lòng tin”. Một người khi chưa thực sự hiểu về Pháp. Họ không có cơ hội được thực hành, không thấy được lợi ích của việc tu tập. Đó là khi họ vẫn còn mang trong mình sự hoài nghi về Phật Pháp. Thế nhưng, chỉ cần con người thường xuyên nghe theo Phật Pháp. Họ sẽ nhận ra rằng Phật Pháp chỉ dạy và mách bảo, nhắc nhở những điều đúng đắn. Lúc này, hoài nghi sẽ dần được thay thế bởi niềm tin và sự tin tưởng.
Hỗ trợ cho chánh kiến
Khi tri kiến được chính trực. Tức là lúc đó, chúng ta sẽ làm chủ được kiến thức, cũng như làm chủ được chính mình. Khi bản thân tự tại với những điều mà mình nghe được, thấy được. Chúng ta sẽ nhất tâm tin vào giáo Pháp, để tâm mình rời xa tà kiến, tà đạo.
Có được niềm vui trong Chánh Pháp
Đại đức Thích Trúc Thái Minh chỉ dạy thêm: “Mong các Phật tử nghe Pháp, suy ngẫm giáo Pháp. Rồi ứng dụng tu tập để được sự tịnh tín – tin Phật trong sạch. Nếu đạt được sự tin Phật trong sạch là chúng ta vào quả Thánh Tu Đà Hoàn, có lòng tin bất thoái chuyển. Đối với Tam Bảo, với giáo Pháp của Phật chúng ta cũng không một chút nghi ngờ, mà tin trong sạch. Người có lòng tin Tam Bảo trong sạch như vậy thì làm Phật sự, công đức mới viên mãn. Còn nếu tin chưa trong sạch, niềm tin vẫn còn nhuốm màu thế tục, làm trong Phật Pháp mà vẫn đầy đủ sự tính toán, sự tham, sân thì công đức phước báu chưa được viên mãn”.
Lời kết
Với 5 lợi mà mỗi Phật tử có được khi thành tâm lắng nghe Phật Pháp đã kể trên. Phật Giáo Việt Nam hy vọng mỗi chúng ta đều sẽ không phải vì 5 lợi này mới lắng nghe. Hãy lắng nghe Phật Pháp bằng chính tấm lòng, bằng chính sự tự nguyện và mong muốn của bản thân.