Con người chúng ta không thể tránh khỏi quy luật “sinh – lão – bệnh- tử”. Một người đến với thế gian này được chào đón bằng nụ cười ấm áp của những người thân yêu nhưng cũng chẳng thể nào thoát khỏi những giọt nước mắt của người xung quanh khi mình rời xa cõi trần. Và có bao giờ chúng ta tự hỏi “thể xác cứng đờ, tim đã ngừng đập, hơi thở đã hóa thinh không, vậy thì linh hồn đi đâu” ?
Hay chỉ khi chứng kiến một người thân yêu, họ gắn bó với chúng ta ngần ấy thời gian, bên cạnh và yêu thương, sẻ chia, đồng hành cùng ta trên những chặng đường khó khăn, bỗng một ngày chẳng còn hiện diện trên cuộc đời này nữa. Đến lúc ấy, ta mới ngỡ ngàng và vội tìm kiếm câu trả lời ? Rằng cuộc sống của họ đã hoàn toàn chấm dứt? Rằng kiếp sống này của họ đã kết thúc? Hay vẫn còn điều gì ẩn khúc khác? Đó là lý do Phật giáo Việt Nam gửi đến bạn đọc về chủ đề “Thuyết Luân Hồi trong đạo Phật”
Thuyết luân hồi trong đạo phật nghĩa là gì ?
Triết lý nhà Phật từng nhắc đến thuyết luân hồi: Một con người hay sự vật chết đi sẽ được hóa thân, chuyển kiếp sang một kiếp sống mới, với hình hài mới. Luân hồi trong phật giáo còn được gọi là bánh xe luân hồi hay vòng luân hồi. Nhà Phật tin rằng tất cả mỗi người chúng ta khi hiện diện trên cõi trần đều đã có một kiếp sống khác, mà ở đó chúng ta sẽ chẳng còn nhớ gì về kiếp trước của mình. Và điều này sẽ liên tục tiếp diễn tạo thành những vòng luân hồi.
Nói một cách dễ hiểu, rằng hãy tưởng tượng bánh xe luân hồi là một vòng tròn. Trên vòng tròn luôn luân chuyển đều đặn, không ngừng nghỉ mà cũng chẳng bao giờ dừng lại. Và khi đó, chúng ta sẽ chẳng thể biết được đâu là điểm đầu, đâu là điểm kết. Khởi đầu và kết thúc của một đời người là không có gì chắc chắn, luôn được vận hạnh theo chiều xoay tròn của bánh xe.
Cứ như thế, bánh xe sinh tử ấy cứ đều đặn quay và chứng kiến được những kiếp sống khác nhau của một người. Kiếp sống khổ đau hay kiếp sống hạnh phúc, tất cả hành trình đã trải qua đều được bánh xe sinh tử ấy khắc ghi. Và chỉ cho đến khi nào con người tu tập đạt được ánh sáng giác ngộ tối hậu, khi ấy họ mới được giải thoát khỏi vòng luân hồi này.
Thuyết luân hồi trong đạo Phật dành cho những đối tượng nào ?
Thuyết luân hồi trong đạo Phật không chỉ có ở kiếp sống của con người, mà trong vũ trụ này, cái gì hiện hữu đều mang trong mình những số phận, những vòng luân hồi chuyển giao từ kiếp sống này sang kiếp sống khác. Bàn về luân hồi của vạn vật, hãy thử dừng lại và nhìn ngắm cuộc sống xung quanh chúng ta thử xem. Chúng ta sẽ khám phá được thuyết luân hồi trong đạo Phật là hoàn toàn đúng đắn.
Vòng luân hồi của cây
Một cái cây được sinh ra từ những hạt giống, hay bằng chính hạt của nó. Chúng được vùi sâu trong lớp đất, đợi đến khi có đủ điều kiện, chúng phát triển thành những cây trưởng thành. Rồi từ đó, chúng lại cho ra quả. Quả của chúng nếu chẳng được người đến hái, đến khi chín cũng già rồi rụng xuống đất. Để rồi từ đó lại lần lượt những cây con ra đời. Chúng luôn luân hồi, luôn tồn tại nhưng dưới nhiều hình hài khác. Đó chính là vòng tròn luân hồi của cây cối.
Vòng luân hồi của nước
Hay nước sông, nước biển cũng thế, bên trong chúng cũng chứa đựng những vòng tròn luân hồi. Hãy nhìn xem, nước là thể lỏng. Vì vậy, khi sức nóng của mặt trời tỏa một lượng nhiệt lên trên bề mặt sông, biển thì nước sẽ lặng lẽ bốc hơi. Hơi khi gặp nhiệt độ lành lại tạo thành mây trên trời cao. Mây gặp gió lại rơi xuống tạo thành nước. Mà thứ chúng ta hay gọi đó là mưa. Cứ như thế, chúng lại trở về với biển cả, trở về làm lại nước như chính nó.Thế nên, nước hay cây, hay tất thảy mọi thứ tồn tại trong vũ trụ này đều mang trong mình những bánh xe luân hồi.
Ý nghĩa của thuyết luân hồi trong đạo Phật
Chỉ những ai thực sự hiểu về thuyết luân hồi trong đạo Phật thì đời sống nội tâm của họ mới vững vàng, mới lành mạnh. Khi gặp nghèo khổ, hay những điều xui xẻo, không may mắn sẽ không than vãn hay khi giàu có, sung sướng cũng không tự cao. Bởi nếu bây giờ, chúng ta được hưởng mà không làm tốt nữa thì cuộc sống sẽ đi xuống, sẽ khổ đau. Còn nếu bây giờ mình phải chịu những đày đọa, những điều không mấy vui vẻ thì cũng nên chấp nhận, sửa lại cho đúng. Chính điều này không chỉ giúp cuộc sống tuột xuống mà còn phần nào nâng lên. Hiểu được điều đó nghĩa là đang dọn mở đường cho chính mình được đi lên, được cải thiện. Trong lòng không oán trách, hận thù một ai.
Nhiều người, họ vẫn thường hay trách tại sao bố mẹ không có phước nên sanh con cái ra khổ đau, hay vì cha mẹ không có tài đức nên cuộc sống con cái luôn thua kém người ta. Nhưng khi nhớ đến thuyết luân hồi trong đạo Phật, bạn sẽ biết chính mình thọ nhân quả báo đời trước đã tạo nên mới sinh vào gia đình tương ứng như thế. Việc làm ngày hôm nay một phần là do hưởng nghiệp trong kiếp trước, tuy nhiên cũng đừng vì thế mà sống một cuộc đời xấu xa, ích kỷ. Hãy sống thiện, để tương lai lại gặt được “quả ngọt” nhé.
Lời kết
Tất cả chúng ta chỉ ghé ngang quán trọ của cuộc đời một lần duy nhất dưới hình hài cơ thể này, tuy nhiên ở kiếp sống khác, chúng ta vẫn sẽ sống một cuộc đời khác dưới hình hài cơ thể khác. Để cuộc sống tiếp diễn trong hạnh phúc, sung sướng, mỗi người trong kiếp sống hiện tại cần phải hướng tâm mình thánh thiện, bài trừ hoặc không làm những việc xấu xa, ích kỷ, chỉ biết sống vì lợi ích của chính mình. Hãy sống một cuộc đời đáng sống, sống đạo đức, tử tế, nhân hậu, sống là cống hiến, là có lợi ích cho xã hội.
Ngay từ hôm nay, mỗi người chúng ta hãy gạt đi những thị phi, những sân si, bon chen đời thường. Hãy để kiếp sống này được nhẹ nhàng, thảnh thơi, đồng thời cũng tạo nhân lành cho kiếp sống tiếp theo. Hoặc sâu sắc hơn, chúng ta hãy sống và tu tập như lời Phật dạy để sớm giác ngộ, thoát ra khỏi bánh xe luân hồi.
Với những chia sẻ trên về thuyết luân hồi trong đạo Phật, Phật Giáo Việt Nam hy vọng đã truyền tải được một phần nào đó giá trị đến cho bạn đọc. Mong rằng tất cả chúng ta đều sẽ sống trọn vẹn một đời, để bất kì khoảnh khắc nào trôi qua cũng đều trở thành ý nghĩa, mang lại tốt lành cho tương lai mai sau.