CHƯ TỔ TỪNG DẠY

” Sở dĩ bá thiên kiếp
Sở tác nghiệp bất vong
Nhân duyên hội ngộ thời
Quả báo hoàn tự thọ “.

Dịch :

( Dù trải qua trăm ngàn kiếp
Chỗ tạo nghiệp không mất
Khi nhân duyên đến rồi
Quả báo tự chịu lấy )

Trải qua trăm nghìn kiếp tất cả nhân quả mình đã từng gieo trồng sẽ không bao giờ mất. Khi nào đủ nhân duyên thì chúng ta sẽ thọ cho dù là quả thiện hay là quả ác. Ví dụ nắm muối ( việc ác ), lượng nước ( phước đức lành ), như vậy nắm muối chúng ta đã bỏ vào chiếc ly dù cho có thêm trăm nghìn lít nước thì lượng muối đó hoàn toàn không mất đi. Nhưng vì lượng nước quá nhiều mà ly nước muối đó dần loãng theo và không còn giá trị như ban đầu nữa.

Nhân quả tạo ra trong cuộc đời là không mất, cho dù là thiện hay là ác. Tất cả những ác nghiệp chúng ta đã làm không ra không bao giờ biến mất. Tất cả những thiện nghiệp chúng ta đã gieo trồng cũng không thể nào mất đi. Nếu như chúng ta làm thiện mà vẫn gặp quả ác là do lượng “nước” chúng ta thêm vào quá ít so với lượng “muối” ta đã có. Như vậy nếu lượng “nước” chúng ta có quá ít mà lượng “muối” còn quá nhiều thì ta phải làm sao cho lượng “nước” ta cần có phải thật nhiều chứ?

Tại sao chúng ta mới bỏ 5, 10, 20, 30 thìa cà phê nước lã vào ly nước, nó vẫn mặn hoài mà chúng ta đã bắt đầu thấy nản và chán chường rồi. Như vậy là chúng ta không thông minh. Chúng ta phải kiên trì thêm “nước” đến chừng nào mà nó hết mặn thì thôi chứ. Và khi ly nước bắt đầu bớt mặn thì chúng ta vẫn phải duy trì, đừng để “nước” này nó bốc hơi.

Cho nên, ở đây phước báu hữu lậu nhân thiên là như vậy. Phước nhiều thì nghiệp tự giảm. Giảm không phải là mất mà vì phước nhiều nên cái nghiệp không đủ sức chi phối và hành hạ chúng ta.

Nhưng khi chúng ta kém tinh tấn và mất phước do lý do gì đó thì cái nghiệp này nó sẽ chi phối lại chúng ta. Đây là một quy luật bất biến. Cho dù là đời này, đời sau hay trăm ngàn đời sau nữa trong kiếp sống luân hồi, nó sẽ mãi là như vậy. Chính vì lẽ đó chúng ta cần phải tinh tấn tu tập là như vậy.

Khi nào tu mà ta vẫn gặp nhiều ác nghiệp thì phải tự hiểu ta chưa đủ lượng “nước” để hóa giải cái lượng “muối” ấy. Nên cần phải giữ vững niềm tin mà tu hành.