Câu chuyện mà Phật Giáo Việt Nam sắp sửa giới thiệu đến cho bạn đọc chắc chắn sẽ cho bạn nhiều bài học quý giá. Chỉ là một lẽ quy luật thường tình. Tuy nhiên, rất có thể nhiều người đã bỏ quên, không còn nhớ đến nữa. Cùng theo dõi câu chuyện Còn thiếu một nén nhang để tìm lại bài học đó trong bài viết dưới đây.

Câu chuyện còn thiếu một nén nhang

Trong một ngôi chùa làng, có một cậu thiếu niên đến dâng hương cầu khẩn Phật Tổ. Cậu cắm ba nén nhang vào trong lư hương. Thầm cầu khẩn rằng: “Nguyện cầu Phật Tổ phù hộ con thi đậu khoa thi này, thăng quan tiến chức, tận trung báo quốc, tạo phúc cho người dân trong làng”. Phật Tổ nhìn cậu thiếu niên bên dưới chỉ cười mà không nói gì. Tôn giả A Nan đứng bên cạnh hỏi rằng: “Thưa Phật Đà, cậu thiếu niên này vô cùng thành khẩn, lời nguyện phát ra lại là nguyện lành, vậy sao Người không nhận lời?” Phật Tổ mỉm cười, chậm rãi nói: “Bởi còn thiếu một nén nhang”.

“Còn thiếu một nén?” tôn giả A Nan nhìn ba nén nhang vẫn còn trong lư hương, nghĩ mãi vẫn không hiểu được.

Câu chuyện nhà Phật – Còn thiếu một nén nhang
Câu chuyện nhà Phật – Còn thiếu một nén nhang

Thời gian thấm thoắt đã mười năm trôi qua, cậu thiếu niên ngày nào giờ đã trở thành một chàng thanh niên khôi ngô tuấn tú, khí phách oai hùng. Kỳ thi năm đó tuy không thi đậu, nhưng chàng đã vứt bút tòng quân, trở thành một viên võ tướng lập được nhiều chiến công hiển hách. Lần này cậu về vinh qui bái tổ, đặc biệt cử hành hỷ sự. Vẫn giống như trước đây, chàng thanh niên thắp ba nén nhang, cung kính quỳ lạy trước tượng Phật rằng: “Nguyện cầu Phật Tổ phù hộ cho hạ quan kết được một mối duyên lành, thê tử hiền thục, vợ chồng hòa thuận”. Vừa nói vừa dập đầu sát mặt đất.

Tôn giả A Nan nhìn thấy rất xúc động. Quay đầu lại nhìn thấy Phật Tổ vẫn mỉm cười không nói gì. Lại hỏi rằng: “Thưa Phật Đà, sao Người lại không nhận lời anh ta?”. Phật Tổ cười nói: “Vẫn còn thiếu một nén nhang…”

Nháy mắt lại mười năm đã trôi qua, chàng thanh niên giờ đã bước vào tuổi trung niên. Khi ông đi vào Đại hùng Bảo điện, trên gương mặt đã phảng phất hiện ra mấy nếp nhăn. Bởi bị gia tộc nhà vợ liên lụy, đại tướng quân oai phong lẫm liệt năm nào giờ đây đã bị giáng chức làm một viên quan nhỏ ở địa phương, bao nhiêu chí nguyện lớn lao nay đều không thể thực hiện được nữa. Ông bước vào Bảo điện dâng hương bái lạy, thầm cầu khẩn, cầu cho con cái chuyên tâm học hành, hoàn thành sự nghiệp dang dở của mình.

Tôn giả A Nan nhìn ông, lại quay sang nhìn Phật Tổ đang mỉm cười không nói gì, trong lòng than rằng: “Rốt cuộc vẫn còn thiếu một nén nhang”.

Câu chuyện nhà Phật – Còn thiếu một nén nhang
Câu chuyện nhà Phật – Còn thiếu một nén nhang

Mười năm lại trôi qua, người trung niên giờ đây tóc đã hoa râm, bước vào tuổi già. Lúc này ông đã giải quan về làng, sống an cư nơi thôn dã, không còn chí nguyện to lớn như trước nữa. Người lão niên thắp ba nén nhang giống như trước đây. Khấu đầu rằng: “Phật Tổ, ngày trước con đã nhiều lần đến cầu nguyện. Nhưng Người trước sau đều chưa từng nhận lời con dù chỉ một lần. Nhưng lần này đến đây xin Người hãy thành toàn cho tấm lòng hiếu thảo của con. Nghĩ đến ngày trước, cha con mất sớm, mẹ già đã vất vả nuôi  con khôn lớn thành người. Bây giờ mẹ già tuổi đã cao, chỉ mong bà được bình an vô sự, vui vẻ sống quãng đời còn lại. Ngoài điều này ra, con không còn cầu mong gì hơn nữa”.

Tôn giả A Nan nghe thấy những lời này thật không đành lòng, quay đầu nhìn sang Phật Tổ. Lần này thấy trên gương mặt Phật Tổ đã nở nụ cười. Phật tổ hẹ nhàng gật đầu: “Vậy sẽ như nguyện của con vậy”.

Người lão niên đi ra khỏi chùa. Còn chưa về đến nhà, tin mừng đã từ xa truyền lại. Hai người con trai của ông cùng lúc thi đậu văn võ trạng nguyên trong triều. Hơn nữa, triều đình còn ban bố chiếu thư rửa sạch nỗi oan của ông. Cho ông khôi phục chức quan lại còn thăng lên ba bậc nữa. Nhưng lần này người lão niên đã không nhận lệnh. Ông đã quyết định từ nay ở lại trong nhà chăm lo cho mẹ già.

Lời bàn

Trong “Khế kinh” Đức Phật đã từng căn dạy: “Tâm hiếu là tâm Phật. Hạnh hiếu là hạnh Phật”. Con người ta cả một đời đứng trước tượng Phật chỉ chăm chú cầu khẩn cho những lợi ích, danh vọng của bản thân mình. Nhưng rốt cuộc vẫn là còn “thiếu một nén nhang”. Còn Kinh “Nhẫn nhục” có câu rằng “Cùng tột điều thiện, không gì hơn Hiếu”. Khi đã già người con mới ngộ ra điều này. Tâm đã chuyển hóa, và đã nhận được quả báo tốt hiện tiền. Đạo Phật có câu: “Phật tính nhất xuất, chấn động thập phương thế giới”

Con người chúng ta luôn coi trọng danh lợi, địa vị, tiền tài. Ấy thế mà Đức Phật chỉ quan tâm mỗi chữ “tâm” mà thôi. Do đó, con người buông bỏ được dục vọng, những ham muốn đời thường, không khát khao truy cầu. Thêm vào đó, không quên chú trọng vào đạo đức, lương tâm, tâm tính của bản thân. Lúc đó, bằng cách này hay cách khác, không cầu cũng tự đắc,…

Lời kết

Với những chia sẻ trên, Phật Giáo Việt Nam hy vọng bạn đọc hiểu được một điều quan trọng trong cuộc sống. Tiền tài, vật chất không phải là thứ trước nhất để xét một con người. Quan trọng hơn hết, vẫn là tấm lòng, tâm thiện lành của bản thân.